Sau khi đi kiểm tra thực tế tại một số hộ dân thuộc xã Hà Thạch là đối tượng sử dụng vốn ngân sách nhà nước phát triển kinh tế gia đình và xuất khẩu lao động, đồng thời đến thăm trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên Thị xã Phú Thọ. Đoàn đã về làm việc tại UBND thị xã Phú Thọ, thị xã luôn quan tâm, chú trọng đến công tác giải quyết việc làm – xuất khẩu lao động. Tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm tại thị xã để giúp người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm và học nghề. Đã có 105 đơn vị tham gia tuyển lao động, tuyển sinh thu hút hơn 3000 lao động tham gia sàn giao dịch, tư vấn cho trên 1600 lao động đăng ký tìm việc làm và học nghề, phát 2500 tờ rơi giới thiệu việc làm. Giới thiệu 32 doanh nghiệp có uy tín vào thị xã để tư vấn, tuyển chọn lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Kết quả thực hiện, trong giai đoạn từ 2014 – tháng 4/2017 đã giải quyết việc làm mới cho 5500 lao động, trong đó phát triển kinh tế tại địa phương là 3788 người, lao động ngoài tỉnh 1083 người, Chương trình quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm 232 lao động, xuất khẩu lao động là 397 người. Quan tâm dạy nghề cho người khuyết tật và các đối tượng ưu tiên, đã đào tạo nghề cho 855 lao động nông thôn, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng nghề, tạo điều kiện khôi phục và phát triển làng nghề như trồng hoa đào ở xã Hà Lộc, sản xuất chè ở khu 10 xã Phú Hộ. Cũng trong giai đoạn này, Tổng số tiền cho vay từ quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm là trên 7,7 tỷ đồng, từ nguồn vốn này đã giúp cho các hộ nghèo, khó khăn có cơ hội được vay vốn, sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập phát triển kinh tế gia đình. Trên địa bàn thị xã đã có 397 lao động đi làm việc ở nước ngoài, bình quân mỗi năm đưa được 110 lao động, bằng 7% tổng số lao động được giải quyết việc làm, các địa phương có số người đi xuất khẩu lao động đạt kết quả cao như các xã Hà Thạch,Văn Lung và phường Thanh Vinh.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Khỏe, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh: Để triển khai hiệu quả công tác này, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh nói chung và thị xã Phú Thọ nói riêng cần đổi mới tư duy về công tác dạy nghề theo hướng phù hợp với thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, ưu tiên việc truyền nghề tại các làng nghề truyền thống, sắp xếp các cơ sở đào tạo nghề, tận dụng cơ sở vật chất hiện có, gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề, tập trung tuyên truyền, định hướng cho người dân để sử dụng nguồn vốn có được từ xuất khẩu lao động một cách hiệu quả, thiết thực.