I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, XÃ HỘI
1. Vị trí địa lý:
Thị xã Phú Thọ có vị trí trung tâm của tỉnh Phú Thọ, nằm ở vùng tiếp giáp giữa miền núi và đồng bằng Bắc Bộ. Nằm trên trục hành lang kinh tế Hải phòng – Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh. Phía Bắc giáp huyện Thanh Ba, Phù Ninh; Đông giáp huyện Phù Ninh, Lâm Thao; Tây giáp huyện Thanh Ba;nam giáp sông Hồng và huyện Tam Nông. Thị xã cách thành phố Việt Trì 30 Km,cách sân bay quốc tế nội bài 80km, cách Hà Nội khoảng 40 Km, cách cảng Hải phòng 190km và cách cửa khẩu Lào Cai và Hà Giang 200km.
2. Diện tích đất đai:
Diện tích tự nhiên 64,6 km2. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 3.404,2ha, chiếm 52,7%; đất lâm nghiệp 700,25ha chiếm 10,84%; đất nuôi trồng thuỷ sản 128,45% chiếm 1,99%. Đất đô thị và đất khác 2.008,18ha chiếm 31,08%.
3. Địa hình, khí hậu:
- Địa hình: Nằm trong vùng trung du Bắc Bộ. Với địa hình bán sơn địa, điển hình theo dạng “bát úp” , nằm trên vùng giáp ranh giới giữa Đồng bằng sông Hồng và vùng đồi núi thấp. Địa hình cao dần về phía Bắc và Tây Bắc, thấp dần về phía sông Hồng.
- Khí hậu: Thuộc vùng khí hậu Trung Du Bắc Bộ, có nhiều đặc điểm gần với vùng đồng bằng Bắc Bộ, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ không khí trung bình 23o1. Lượng mưa ngày lớn nhất 701,2 mm, trung bình năm 1.850mm. Số giờ nắng trung bình năm 1.571 giờ.
4. Dân số, lao động:
Tổng dân số có mặt tại thị xã khoảng 91.650 người
Trong đó:
Dân số thường trú 71.650 người, dân số tạm trú bao gồm dân nhập cư, học sinh, sinh viên và lao động tại các nhà máy, xí nghiệp 20.000 người.
Cơ cấu dân số thành thị 36%, nông thôn chiếm 64%. Lao động trong độ tuổi chiếm 58%; lao động tham gia vào nền KTQD chiếm 90,6%; lao động qua đào tạo nghề 53%, trong đó đào tạo nghề có chứng chỉ trở lên chiếm 48,5% số lao động trong nền KTQD.
Cơ cấu lao động CN-XD 25,8%, TM-DV 26,6%, NLN 47,6%.
5. Đơn vị hành chính:
Thị xã Phú Thọ có 10 xã phường. Bao gồm: 04 phường (Âu cơ, Phong Châu, Hùng Vương, Trường Thịnh); 06 Xã (Hà Lộc, Văn Lung, Thanh Minh, Thanh Vinh, Hà Thạch, Phú Hộ).
6. Cơ sở kinh tế xã hội:
Thị xã hiện có gần 200 doanh nghiệp với hơn 5.000 lao động và gần 1.000 hộ kinh doanh cá thể và 12 hợp tác xã.
Có 01 trường Đại học, 01 viện nghiên cứu, 03 trường cao đẳng, 05 trường dạy nghề. Quy mô đào tạo khoảng 15.000 SV/ năm.
II. THÀNH TỰU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Kinh tế:
Giai đoạn 2005-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thị xã đạt mức 23,5%, cao hơn 11% so giai đoạn 2001-2005 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
* Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng Công nghiệp - Xây dựng, Thương mại - Dịch vụ. Năm 2011, cơ cấu kinh tế các ngành Công nghiệp - Xây dựng 41,7%; Thương mại - Dịch vụ 49,4%; Nông nghiệp - Thuỷ sản 8,8% (tương ứng năm 2010: CN-XD: 44,5%; TM-DV: 46,3%; NN-TS: 9,2%; Năm 2005: CN-XD: 40,26 %, TM-DV: 40,79 %; NN-TS: 18,95%).
* Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tăng nhanh, tổng vốn đầu tư cả giai đoạn đạt 2.300 tỷ. Tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2011 đạt 732.100 triệu đồng bằng 31.8% của cả giai đoạn 2005-2010.
2. Văn hóa - xã hội và môi trường:
Năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,38%, hoàn thành xoá xong nhà tạm cho hộ nghèo. Giải quyết việc làm cho 1.550 người. Có thêm 03 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Kết cấu hạ tầng được đầu tư và phát triển, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% số xã có điện lưới quốc gia; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở ; 100% xã có điện thoại (năm 2004); 100% số trạm y tế xã có bác sỹ và 100% thôn bản có cán bộ y tế; 100% hộ dân thị xã được dùng nước sạch.
Thị xã Phú Thọ từ một trung tâm về văn hoá, khoa học kỹ thuật và trung tâm văn hoá xã hội của tỉnh đang vươn mình trở thành một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc.