I. NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ.
1. Môi trường chính trị và xã hội.
Môi trường chính trị ổn định, an ninh, trật tự xã hội đảm bảo, không có điểm nóng về chính trị và xã hội. Chính quyền nhà nước, nhân dân địa phương thân thiện, ủng hộ nhà đầu tư, coi công việc của nhà đầu tư như của chính mình, vì sự phát triển của doanh nghiệp, thường xuyên tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án; Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh theo pháp luật với thái độ thân thiện, trách nhiệm hết mình, và coi công việc của nhà đầu tư như công việc của chính mình.
Năm 2011, Thị xã Phú Thọ được công nhận đô thị loại III là một động lực quan trọng có tính đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thị xã phát triển nhanh chóng trong giai đoạn 2011-2015. Với vị thế mới, chính quyền và nhân dân thị xã quyết tâm phấn đấu củng cố vững chắc các tiêu chí đã đạt được và từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II vào năm 2015 để thị xã sớm chở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Không ngừng huy động nguồn lực toàn xã hội tập chung cho đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết triệt để các khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư vào thị xã...
2. Nguồn nhân lực:
Lao động dồi dào, chi phí nhân công rẻ, bằng 65% so với Hà Nội và 40% so với thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn nhân lực trẻ trong độ tuổi lao động cao, lương bình quân 100 – 150 USD/người/tháng.
- Đặc điểm chung: Hầu hết lao động có trình độ, đã được đào tạo có tay nghề, đức tính cần cù, siêng năng chịu khó, thông minh, nhanh nhẹn, dễ thích nghi với nghề nghiệp.
3. Tiềm năng đất đai:
Đất đai làm mặt bằng sản xuất đáp ứng nhu cầu, phù hợp với dự án, giá thuê đất ưu đãi. Thời gian thuê đất 50 năm (có dự án đến 70 năm). Hiện thị xã Phú Thọ đã có và quy hoạch 01 Khu công nghiệp có diện tích 600ha và 03 Cụm công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với tổng diện tích 80ha và hơn 300 ha đất dự phòng đáp ứng đủ nhu cầu của Nhà đầu tư.
4. Tiềm năng khoáng sản:
có nhiều khoáng sản ưu thế phục vụ cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, khoáng sản phi kim loại với trữ lượng lớn và chất lượng tốt (kaolin, sét gốm sứ. Cát đen…), và một số khoáng sản quý hiếm khác.
5. Tiềm năng du lịch:
Thị xã Phú Thọ nằm trên trục du lịch quốc tế Hạ Long - Hà Nội – Phú Thọ - Yên Bái – Lào Cai – Côn Minh (TQ). Có vị trí cửa ngõ đi tới các trung tâm du lịch lớn trong nội tỉnh và khu vực như: Thị xã Phú Thọ - Đền Hùng; Thị xã Phú Thọ - Thành Phố Việt Trì (Thành phố Lễ Hội); Thị xã Phú Thọ - Đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa); Thị xã Phú Thọ - Khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Nông; Thị xã Phú Thọ - Khu nghỉ dưỡng tắm nước khoáng nóng Thanh Thủy; Thị xã Phú Thọ - Rừng quốc gia Xuân Sơn; ...
II. CƠ SỞ HẠ TẦNG ĐẢM BẢO CHO ĐẦU TƯ
1. Giao thông:
- Đường bộ:
Thị xã Phú Thọ có vị trí là giao điểm của hai tuyến đường huyết mạch của Khu vực là đường Hồ Chí Minh và đường xuyên Á. Ngoài ra, tuyến đường trung tâm thị xã nối trực tiếp với quốc lộ 2 tại ngã ba Gò Giai quy mô mặt cắt 35m. Đây là tuyến đường quan trọng cho việc mở rộng phát triển trung tâm thị xã lên phía Đông Bắc.
- Đường thuỷ:
Thị xã Phú Thọ là đầu mối giao thông thuỷ cho khu vực phía Tây, Tây Bắc của tỉnh liên hệ trực tiếp với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và trong cả nước. Sẽ xây dựng cảng ở hạ lưu cầu Ngọc Tháp theo định hướng quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải công suất 100.000 tấn/năm khai thác vận tải đường sông phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp của thị xã và của khu công nghiệp Bãi Bằng.
Cầu Ngọc Tháp đưa vào sử dụng đã đảm bảo liên hệ giữa hai bên sông Hồng, bến phà Ngọc Tháp vẫn duy trì để sử dụng giao thông nội vùng.
- Đường sắt:
Tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội – Lao Cai – Vân nam đang hoạt động kết nối với tuyến đường sắt nội thị hoạt động liên tục và đang được nâng cấp thành 2 tuyến đường. Ga hành khách Phú Thọ và ga hàng Tiên Kiên phục vụ vận tải hàng hoá bằng đường sắt. Trong tương lai, dự kiến lập ga hàng hoá mới tại Hà Thạch tách riêng với ga hành khách khi có lượng hàng đủ lớn, gắn với cảng và Khu công nghiệp Phú Hà để kết nối giao thông đường sắt - đường thuỷ và đường bộ.
- Đường hàng không:
Thị xã có sân bay dã chiến, khi có điều kiện có thể sử dụng vào mục đích dân dụng quy mô nhỏ trong tương lai khi có nhu cầu cần thiết.
2. Điện: Hệ thống điện quốc gia đã phủ kín tất cả các phường, xã đáp ứng đủ nhu cầu điện sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong, ngoài khu công nghiệp.
3. Nước: 70% dân số đã được dùng nước sạch đủ tiêu chuẩn vệ sinh thoả mãn nhu cầu cấp nước cho sản xuất và tiêu dùng.
4. Thông tin liên lạc: Mạng lưới bưu chính viễn thông được phát triển với tốc độ nhanh theo hướng hiện đại hoá, đa dạng và rộng khắp đáp ứng mọi hoạt động liên lạc trong nước và quốc tế.
5. Dịch vụ ngân hàng, tài chính, kho vận: Thị xã Phú Thọ hiện có trên 5 chi nhánh các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang hoạt động; gần cảng cạn ICD Việt Trì; dịch vụ bảo hiểm; vận chuyển hàng hóa…v.v đã và đang hoạt động hiệu quả, đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu của Nhà đầu tư.
6. Khách sạn, dịch vụ du lịch, giải trí: Hệ thống nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm và vui chơi giải trí tập chung chủ yếu ở khu vực nội thị, cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và du khách.
7. Thị trường tiêu thụ sản phẩm: có nhiều tiềm năng, là của ngõ của vùng thị trường Tây Bắc và Trung Bắc, đã và đang kết nối với thị trường rộng lớn của Trung Quốc.
III. KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP.
1. Khu Công nghiệp–DVĐT Phú Hà:
- Diện tích: 600 ha, Trong đó: 400 ha cho phát triển Công nghiệp, sản xuất/ 200 ha cho phát triển Đô thị, dịch vụ.
- Vị trí: Nằm trên địa bàn xã Phú Hộ, Hà Lộc, Hà Thạch. Cách Việt Trì 30 km, Hà Nội 110km, cảng Hải Phòng 230km, sân bay Nội Bài 80km, gần quốc lộ 2, nằm tại điểm giao nhau của đường Xuyên Á và đường HCM, gần ga đường sắt, gần sông Hồng.
2. Cụm công nghiệp:
Tổng diện tích: 80 ha, đã cấp 5ha, còn lại 75ha.
* Cụm CN Thanh Minh: 30 ha, chưa cấp.
* Cụm CN Trường Thịnh – Thanh Vinh: 20 ha, đã cấp 5 ha, còn lại 15ha.
* Cụm công nghiệp Phú Hộ: 30ha, chưa cấp, có thể mở rộng 300ha.
IV. CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH.
1. Các ưu đãi đầu tư chung:
Nhà đầu tư khi đầu tư vào thị xã Phú Thọ được hưởng đầy đủ các ưu đãi về đất đai theo Nghị định 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005; 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010. Về thuế được thực hiện theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính Phủ quy định thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008; Nghị định 149/2005/NĐ-CP ngày 08/12/2005 của Chính Phủ; Nghị định 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010;
Ngoài ra, năm 2011 UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 21/2011/QĐ-UBND ngày 30/9/2011 về thực hiện "cơ chế một cửa liên thông" trong giải quyết các thủ tục đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND, ngày 12/01/2012 về hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Hỗ trợ tối đa các điều kiện có thể giúp cho quá trình giải quyết các thủ tục đầu tư.
2. Các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng của thị xã: (thực hiện theo Quyết định 129/2009/QĐ-UBN, ngày 15 tháng 01 năm 2009 Về việc quy định hỗ trợ thu hút đầu tư vào thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ).
Được lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp với quy mô, yêu cầu của dự án và phù hợp với quy hoạch;
Được hưởng các ưu đãi của tỉnh như đối với các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp tập trung;
Được lựa chọn hình thức thuê đất hoặc nộp tiền sử dụng đất;
Được hỗ trợ đào tạo nghề đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng (Một triệu đồng)/1 lao động/1 lần đào tạo được thực hiện thông qua các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh hoặc qua các hợp đồng đào tạo nghề của doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề của tỉnh;
Được hỗ trợ chi phí giải quyết các thủ tục hành chính và các thủ tục về sử dụng đất;
Được hỗ trợ san lấp mặt bằng đối với các dự án công nghệ cao, có đóng góp lớn cho ngân sách (nhưng không quá 30% tổng chi phí san lấp của dự án và không quá 10 tỷ đồng).
V. CÁC LĨNH VỰC ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ.
Các dự án đầu tư phát triển các khu đô thị hiện đại tập trung và phát triển quỹ nhà ở xã hội;
Các dự án phát triển hạ tầng đô thị: Giao thông, nước sạch tập trung, xử lý môi trường;
Các dự án đầu tư phát triển công nghiệp: Công nghệ cao (điện tử; thông tin; lắp ráp ô tô, xe máy; tân dược; thiết bị y tế hiện đại; sinh học; vật liệu mới...);
Các dự án thuộc nhóm dịch vụ: Công viên; Trung tâm thương mại lớn; Trung tâm tài chính; dịch vụ đào tạo dạy nghề và dịch vụ y tế chất lượng cao; dịch vụ vận tải công cộng; dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí công nghệ hiện đại.